Bình đẳng giới trong gia đình.

Đăng lúc: 13:35:00 29/11/2018 (GMT+7)

Bình đẳng giới là gì? Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.

 Thực hiện bình đẳng giới là đảm bảo quyền con người. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thực hiện bình đẳng giới đem lại lợi ích cho phụ nữ và xã hội.

 Điều 18 - Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau: Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình cũng như trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển”.

Các thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ việc nhà

long-ghep-binh-dang-gioi-trong-chuong-trinh-giang-day-dao-tao-o-truong-dai-hoc14606894728FBD2CE.jpg

Từ bao đời nay, người ta vẫn quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ. Đó là những công việc vặt vãnh, không tên, nhẹ nhàng, đơn giản, ai làm cũng được. Chính nhiều phụ nữ cũng còn cho rằng chỉ có mình mới làm tốt công việc nội trợ; có một số phụ nữ không khuyến khích nam giới làm mà còn tỏ ra ái ngại khi thấy chồng hoặc con trai làm những công việc nội trợ một cách vụng về.

- Nam giới ít khi làm việc nhà vì họ nghĩ rằng: Nam giới là trụ cột gia đình nên chỉ làm việc lớn; nam giới làm việc vặt sẽ mất thể diện với mọi người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm; trong khi phụ nữ làm việc nhà khéo hơn nam giới; Trách nhiệm của phụ nữ là sinh đẻ, nuôi dạy con gắn với nội trợ trong gia đình; Mẹ nói năng nhẹ nhàng, tình cảm nên để mẹ dạy con tốt hơn còn bố nóng tính, hay quát mắng con làm con dễ sợ và bố chỉ dạy con việc lớn. Do vậy, nam giới không thường xuyên làm việc nhà, họ chỉ làm khi không có người phụ nữ nào giúp; nhưng trong thực tế nam giới cũng có thể làm tốt các công việc như đi chợ, nấu ăn, chăm sóc người già, trẻ con, người ốm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc, dạy dỗ con.

- Khi vợ chồng cùng nhau chia sẻ việc nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích:

+ Đối với người vợ:

Nếu không được người chồng chia sẻ việc nhà thì người vợ phải làm quá nhiều việc nhà, bản thân người vợ phải chịu nhiều thiệt thòi, sức khỏe giảm sút, gầy yếu, nhanh già hơn chồng; có ít thời gian nghỉ ngơi, giải trí; thiếu thời gian học tập nên thiếu kiến thức về mọi mặt; không có thời gian tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, nên thiếu mạnh dạn, tự ti, vị trí xã hội thấp dần; thiếu hiểu biết để cùng chồng bàn bạc các công việc gia đình và xã hội; quan hệ vợ chồng thiếu đồng cảm.

Nếu được người chồng cùng gánh vác công việc gia đình, người vợ sẽ giảm gánh nặng công việc, có thời gian học tập, tham gia hoạt động xã hội để nâng cao kiến thức, mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống, địa vị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng cao; chị em có thời gian tham gia hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ; có thời gian nghỉ ngơi, giải trí làm phong phú đời sống tinh thần, vui vẻ, trẻ lâu và không khí gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

+ Đối với con cái:

Khi người bố không chia sẻ công việc gia đình thì quan hệ tình cảm giữa bố và con ít gần gũi, thiếu sự cảm thông; trẻ phát triển không toàn diện vì thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của người bố; trẻ em trai chịu ảnh hưởng của tính gia trưởng và thiếu trách nhiệm; trẻ em gái trở lên tự ti, mặc cảm, an phận.

Khi người bố tham gia nhiều hơn vào việc nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con cái; trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn; con cái tự hào về bố, mẹ và gia đình; con học tập gương bố để tự giác làm việc nhà; quan hệ tình cảm bố con gắn bó hơn; trẻ sớm có hiểu biết về bình đẳng giới.

+ Đối với người chồng:

Người chồng cũng tự hào có gia đình hạnh phúc, vợ đẹp, con khôn; thông cảm hơn với sự vất vả, khó khăn của người vợ; thạo việc gia đình và dạy con làm tốt hơn; là tấm gương tốt cho con noi theo; có uy tín hơn đối với các con.

Do đó:- Mọi người cần thay đổi quan điểm lạc hậu để nam giới chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc dạy dỗ con. Các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ cần mạnh dạn khuyến khích, động viên nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình.

Nam giới sẽ tích cực chia sẻ việc nhà khi được gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm.... đặc biệt là người vợ động viên, khuyến khích.

Nam giới làm việc nhà là việc làm đáng tự hào và có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội vì nó hỗ trợ phụ nữ có điều kiện tiến bộ và bình đẳng, trẻ em được đảm bảo quyền lợi.

Vợ, chồng cùng nhau giáo dục con

- Vẫn còn các bậc cha mẹ quan niệm con gái chỉ cần học vừa đủ. Khi gia đình gặp khó khăn về kinh tế hoặc thiếu lao động thì các bậc cha mẹ thường nghĩ đến việc cho con gái nghỉ học, không xem xét khả năng các con. Một số bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con gái là con người ta nên ở nhà giúp đỡ bố mẹ một thời gian rồi đi lấy chồng.

Nhiều ông bố không quan tâm tới việc việc học hành của con mà giao phó hoàn toàn cho nhà trường và người mẹ. Nhiều ông bố cho rằng: bố nóng tính hay quát mắng con nên dạy con thường làm con sợ, khó tiếp thu bài.

- Song thực tế nam giới hoàn toàn có khả năng làm tốt và làm chu đáo tất cả các công việc giáo dục con, giúp con phát triển toàn diện bằng cách hướng dẫn, khuyến khích, quan tâm tới việc học tập của con như: Mua sách vở, đồ dùng học tập cho con; họp phụ huynh; đưa con đi học; hàng ngày kiểm tra sách vở, nhắc nhở con học bài; giải đáp thắc mắc của con; dạy con biết cách cư xử với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội; tâm tình, trò chuyện với con; động viên, khen ngợi khi con làm được những việc tốt.

- Cả bố và mẹ phải hiểu rằng việc học hành là cần thiết đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai, việc phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong giáo dục là vi phạm quyền trẻ em.

Trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản

- Vợ, chồng có kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ tự tin, chủ động lựa chọn và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản có lợi nhất.

- Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ có sức khoẻ, trẻ trung, nhan sắc tốt hơn; bên cạnh đó người chồng được hưởng hạnh phúc nhiều hơn do được vợ quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Gia đình có điều kiện và cơ hội phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt hơn. Vợ, chồng có điều kiện tham gia hoạt động xã hội, được tận hưởng hạnh phúc nhiều hơn.

- Đời sống vợ chồng sẽ bền vững và hạnh phúc hơn khi cả nam và nữ đều chủ động tự nguyện kiểm tra sức khỏe trước khi đăng kí kết hôn, để biết về nhau xem có ai bị mắc các bệnh di truyền, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV… để sức khoẻ gia đình được tốt hơn.

- Khi vợ mang thai người chồng cần: giúp vợ làm việc nhà; đưa vợ đi khám thai; đảm bảo dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, động viên tinh thần cho vợ; không để vợ tiếp xúc với chất độc hại như phun thuốc trừ sâu…Sau khi sinh: vợ, chồng lựa chọn một biện pháp tránh thai phù hợp; cùng chăm sóc, nuôi dạy con với tất cả tình yêu thương và khả năng tốt nhất; cha và mẹ tạo điều kiện để các con được tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên.

Trong phòng, chống bạo lực gia đình

- Mọi người, đặc biệt là người chồng, phải chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến chống phân biệt đối xử với phụ nữ để nâng cao sự hiểu biết mọi mặt, từ đó có hành vi đúng đắn trong quan hệ ứng xử với vợ và người khác vì sự hoà thuận và hạnh phúc gia đình.

- Nam giới, người chồng hãy tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện rượu, nghiện ma tuý, mại dâm,…

- Phụ nữ, người vợ chủ động tìm hiểu các quyền mà phụ nữ được hưởng theo quy định của pháp luật, từ đó có hành vi đúng đắn trong quan hệ ứng xử với chồng và mọi người trong gia đình.

- Người bị bạo hành cần báo ngay với với các tổ chức, cơ quan có chức năng để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết.

- Mỗi người dân khi phát hiện các trường hợp bị bạo hành phải báo ngay cho lực lượng an ninh địa phương biết để xử lý kịp thời.

Vợ, chồng cùng tham gia bàn bạc, quyết định các vấn đề của gia đình như: Phát triển kinh tế gia đình, mua sắm tài sản gia đình; định hướng nghề nghiệp cho  con…

Để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, cần có sự vào cuộc của các thành viên trong gia đình và của toàn xã hội; đặc biệt là vai trò tuyên truyền, vận động của hội liên hiệp phụ nữ các cấp

Về trách nhiệm của gia đình, phải:

- Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình.Chăm sóc sức khỏe sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.

Trách nhiệm của Hội phụ nữ, cán bộ, hội viên, phụ nữ:

- Tích cực học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới; đồng thời là thành viên tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới.

- Gương mẫu thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới; Chia sẻ công việc gia đình cùng chồng con, các thành viên trong gia đình để có thêm thời gian nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khoẻ, tham gia học tập nâng cao trình độ về mọi mặt và trình độ chuyên môn nghề nghiệp; Tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng, xã hội, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, quan tâm, ủng hộ giúp đỡ những phụ nữ khó khăn, yếu thế vươn lên trong cuộc sống.

- Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới; ủng hộ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhà nước.

- Giáo dục, truyền thông và vận động xã hội thay đổi nhận thức về vai trò giới, bình đẳng giới trong gia đình

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động gia đình hội viên, phụ nữ thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình tới cán bộ, hội viên; tổ chức các hình thức truyền thông về bình đẳng giới trong gia đình nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6; tháng hành động bình đẳng giới;...

- Tham gia xây dựng, giám sát thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến gia đình, bình đẳng giới.

- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các gia đình phấn đấu đạt bình đẳng giới trong gia đình như: hỗ trợ vốn, kiến thức để chị em có điều kiện khởi nghiệp tăng thu nhập khẳng định địa vị kinh tế; hỗ trợ đào tạo về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, khởi nghiệp; nuôi dạy con; tư vấn và dạy nghề....

- Tham gia tích cực vào tổ hòa giải để kịp thời giải quyết những mẫu thuẫn vợ chồng. Phối hợp với các ngành liên quan để phát hiện, ngăn chặn, can thiệp và xử lý nghiêm những vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến quyền lợi phụ nữ trẻ em...

Đảm bảo bình đẳng giới là một trong những mục tiêu cơ bản của việc bảo đảm công bằng xã hội, cùng với đó đấu tranh cho giải phóng phụ nữ - một nửa của xã hội loài người luôn đặt chúng ta trong việc xem xét và giải quyết một loạt các mối quan hệ. Quan hệ giữa phụ nữ với nam giới, giữa gia đình và xã hội, giữa cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ với cuộc cách mạng xã hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa... khi mà cơ hội và điều kiện phát triển của phụ nữ còn thấp hơn nam giới; khi mà phụ nữ còn chịu những thiệt thòi ngay từ trong gia đình của mình thì “đối xử đặc biệt” với phụ nữ là hết sức cần thiết, để họ đạt tới sự bình đẳng với nam giới. Để thực hiện được điều này cần có một cơ chế, chính sách từ phía xã hội, từ các nhà lãnh đạo quản lý, với cách nhìn tiến bộ, thái độ ủng hộ thật sự đối với phụ nữ; cũng cần có sự nhận thức đúng đắn và thái độ ủng hộ tích cực của chính những người nam giới trong mỗi gia đình
                                                                                                        Lê Hữu Oai

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
CÔNG KHAI KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
348799